Hazel (Shailene Woodley) là một cô gái trẻ mắc bệnh ung thư tuyến giáp đã di căn tới phổi đang sống lơ đễnh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Augustus (Ansel Elgort) mắc chứng bệnh ung thư xương với một bên chân giả và nỗi sợ một ngày nào đó mình sẽ chìm vào quên lãng. Hai người gặp nhau tại một câu lạc bộ dành cho những bệnh nhân ung thư gặp khó khăn trong việc hòa nhập cuộc sống. Họ tranh luận về việc ai rồi một ngày cũng sẽ phải đối diện với cái chết và trở thành bạn của nhau.
Đó là câu chuyện đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả trên thế giới, đồng thời cũng là cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times và Wall Street Journal trước khi được đạo diễn Josh Boone chuyển thể thành phim.
Hazel và Augustus không chỉ là những nhân vật trong một bi kịch tình yêu ướt át mà đã trở thành một hiện tượng trong giới trẻ với phương châm sống của những “Nerdfighter” (người đấu tranh với số phận), với những “mật ngữ” thân thuộc như “okay” (có nghĩa là “always”) hay những quan niệm sống như “Không có công xưởng sản xuất điều ước nào trên đời”…
Giữa làn sóng phim giả tưởng chuyển thể từ tiểu thuyết tuổi teen (Twilight, The Hunger Games, The Maze Runner…) đang lên ngôi, The Fault in Our Stars dường như là một vì sao lạc với ánh sáng dịu nhẹ nhưng bền bỉ, lặng lẽ soi rọi vùng trời của riêng mình. Không có phép màu, quyền năng hay sức mạnh từ một thế lực thần thánh nào, các nhân vật của The Fault in Our Stars chỉ đơn giản sống và chiến đấu từng ngày với thần chết để thực hiện nốt những dự định, ước mơ của mình.
Vùng trời của họ sở dĩ bé nhỏ hơn, khiêm nhường hơn bởi nỗi mặc cảm và sự tuyệt vọng trước căn bệnh hiểm nghèo đã che lấp ánh mặt trời phía trước. Hazel cảm thấy không còn nhu cầu kết bạn, không muốn đón nhận những cơ hội, không muốn ra ngoài bởi cô chẳng thể cảm thấy nhiều hơn một ống thở oxy qua mũi và một bình hô hấp nặng nề lê bước theo chân.
Đó cũng là lý do cô thấy “nỗi sợ bị lãng quên” của Augustus hết sức ngớ ngẩn. Bởi lẽ, cũng như cái chết, việc ai đó lãng quên mình chỉ là chuyện sớm hoặc muộn, trước hoặc sau. Hazel tin rằng đó là phán quyết của số phận và chúng ta chỉ có thể chấp nhận nó, đợi chờ nó đến.
Augustus lại khác. Cậu thích ngậm điếu thuốc trên môi và tuyên bố đầy thách thức rằng: “Ta có thể đặt cái thứ giết người này giữa hai hàm răng mà không cho nó sức mạnh để giết ta”. Bệnh ung thư là một cái án treo nhưng không có nghĩa nó có thể cướp đi sự sống cũng như niềm yêu sống của chàng trai trẻ. Bằng chứng là với chiếc chân giả, Augustus đã đi thêm một chặng đường nữa từ sau khi “lãnh án treo” và không những thế, cậu còn có thêm người bạn đồng hành Hazel.
Josh Boone đã chinh phục trái tim khán giả không phải bởi câu chuyện tình yêu nhiều nước mắt mà chính vì những mảnh ghép hết sức đời thường, giản dị của cuộc sống. Không có phép màu, cũng chẳng có một cái kết đẹp như cổ tích. Thậm chí, cuộc đời vẫn nghiệt ngã và phũ phàng đến phút cuối với Hazel. Cuộc gặp gỡ không như mơ với nhà văn thần tượng đã kéo cô về với cuộc đời thực. Ở đó có bóng dáng của thần chết, nhưng cũng có cả Augustus thương yêu.
Lấy ý tưởng từ một vở kịch của Shakespeare - “The fault is not in our stars, but in ourselves” (Lỗi không phải bởi những vì sao, lỗi thuộc về chúng ta), tác giả John Green đã đặt tên cho cuốn sách của mình với hàm ý lỗi thuộc về những vì sao định mệnh chiếu sai đường, nên những người yêu thương chẳng thể đồng hành cùng nhau.
Sẽ không tránh khỏi những so sánh khập khiễng khi đặt tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể điện ảnh cạnh nhau, tuy nhiên, The Fault in Our Stars có thể coi là một trong số những trường hợp đạo diễn đã phần nào làm khán giả hài lòng. Bi kịch tình yêu của tuổi trẻ được chuyển thể lên màn ảnh khá vừa vặn để không trở thành ủy mị nhưng cũng không quá vô hồn.
Ansel Elgort đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình với nụ cười trong sáng và ánh mắt xanh hút hồn trong khi Shailene Woodley trở lại màn ảnh có phần chững chạc, chín chắn hơn so với Alexandra của The Descendants (2011). Năm nay cũng là năm “định mệnh” của Ansel và Shailene khi hai người không chỉ sánh đôi trong The Fault in Our Stars mà còn xuất hiện cùng nhau trước đó trong Divergent ra mắt hồi tháng ba.
Với kinh phí thực hiện chỉ 12 triệu USD, The Fault in Our Stars đã đạt doanh thu trên 300 triệu USD và đang là một trong những bộ phim “sinh lãi” nhất của Hollywood năm nay. Không những thế, tác phẩm này còn nhận được những đánh giá khá tốt từ phía nhà phê bình như một trường hợp đáng hoan nghênh cả về tính thương mại và chất lượng nghệ thuật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét